Danh mục
Thương hiệu
Người bán
Khoảng giá
Size
Màu sắc

Thứ Bảy, 16/7/2022

Dấu chân carbon (carbon footprint) là gì? Làm thế nào để giảm thiểu dấu chân carbon?

Nguồn ảnh: Al-rasub

Không chỉ có các hoạt động công nghiệp, phương tiện giao thông thải ra khí CO2 làm hại môi trường. Mà kể cả những việc làm trong cuộc sống sinh hoạt của mỗi người cũng góp phần vào việc này. Dấu chân carbon chính là tổng lượng khí nhà kính, bao gồm các chất carbon dioxide (CO2) và metan (CH4) được tạo ra bởi các hành động của con người.

Dấu chân carbon là gì?

Nguồn ảnh: ArtHearty

Dấu chân carbon là lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do một người tạo ra, có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp. Nó bao gồm các chất carbon dioxide (CO2) là loại khí mà con người thải ra nhiều nhất, và những loại chất khác, bao gồm khí metan (CH4), nitơ oxit (NO2) và flo (F). Những loại khí nhà kính có ảnh hưởng tới sức khỏe con người và giữ nhiệt trong khí quyển, gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Phát thải khí nhà kính trực tiếp là khi chúng ta lái xe, sử dụng thiết bị điện. Gián tiếp là sử dụng bất kể một thứ gì đó mà dùng năng lượng để sản xuất ra chẳng hạn như quần áo, đồ ăn…

Những tác động của mỗi người đến môi trường như thế nào, hoạt động hàng ngày thải vào khí quyển lượng CO2 bao nhiêu… Các số lượng này sẽ được tính toán đo lường và hiển thị bằng dấu chân carbon. Nếu số dấu chân carbon càng lớn thì tác động xấu đến môi trường càng lớn.

Cách tính Dấu chân carbon

Vậy dấu chân carbon được tính như thế nào? Cách tính thông số này cần dựa trên nhiều tố, bao gồm: Khu vực sinh sống, phong cách sinh sống, loại và mức năng lượng tiêu thụ, những sản phẩm công nghệ được sử dụng và cách sử dụng, cùng nhiều yếu tố khác.

Trong đó, cách tính lượng khí thải carbon tốt nhất được sử dụng là dựa trên mức độ tiêu thụ nhiên liệu của một người. Cuối cùng, cộng dồn lượng phát thải CO2 vào Carbon footprint của cá nhân.

Cách tính thông số dấu chân Carbon cần dựa trên nhiều tố (Nguồn: sustainableprinceton.org)

Dấu chân cacbon thường được đo bằng tấn CO2 phát ra mỗi năm, hoặc có thể được bổ sung bằng tấn khí tương đương CO2, bao gồm metan (CH4), oxit nitơ (N2O) và các loại khí nhà kính khác. Nếu con số này càng lớn thì tác động của bạn vào môi trường càng mạnh.

Dấu chân carbon trung bình của một người Mỹ. Nguồn infographic: visual.ly

Ví dụ: Bạn sử dụng xe máy để di chuyển đường 200km với mức tiêu thụ của xe là 2,5 lít xăng/100km.

  • Tổng quãng đường 200Km sẽ tiêu thụ hết: 2,5 x 2 = 5 lít xăng.
  • Mỗi lít xăng được tính sẽ phát thải 2,3 kg khí CO2.

Tính tổng việc di chuyển này sẽ làm tăng 5 x 2,3 kg = 11,5 kg CO2. Con số này sẽ cộng vào Carbon footprint của bạn hàng năm. Tại Việt Nam, chỉ số Carbon footprint trung bình lên tới gần 1,18 tấn/người/năm.

Tại sao mỗi người cần giảm số dấu chân carbon?

Tất cả những vấn đề xoay quay mối quan tâm về Carbon footprint là gì rốt cuộc đều nhằm đánh giá một cá nhân, các doanh nghiệp hay các chính phủ có thể có bao nhiêu tác động đến lượng phát thải khí nhà kính gây ảnh hưởng đến môi trường.

Trên thực tế, mối liên hệ giữa phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu là quá rõ ràng và khó có thể bỏ qua. Nhiệt độ trung bình toàn cầu đang tăng lên, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn, mực nước biển dâng cao và hiện tượng axit hóa đang diễn ra. Tất cả các mối đe dọa sinh thái này đều là kết quả từ hoạt động sống của con người.

Lượng phát thải khí nhà kính tăng lên dẫn đến hiện tượng biến đổi khí hậu (Nguồn: aarp.net)

Bằng cách giảm lượng khí thải carbon, bạn có thể góp phần vào việc giảm tổng lượng khí thải nhà kính. Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của chúng ta, tất cả mọi người cần thực hiện những điều chỉnh nhỏ những có thể dẫn đến kết quả lớn.

Nó không chỉ là về môi trường. Giảm số dấu chân carbon của bạn có thể giúp bạn có một lối sống lành mạnh hơn, cũng như giúp bạn tiết kiệm tiền. Cho dù đó chỉ là bầu không khí sạch hơn, chế độ ăn uống lành mạnh hơn hay giảm hóa đơn tiêu thụ năng lượng hàng tháng. Những lợi ích từ việc giảm lượng khí thải carbon của bạn cũng có nghĩa là bạn đang nỗ lực hết mình để chống lại biến đổi khí hậu.

Những cách để giảm thiểu dấu chân carbon

Reduce - Reuse - Recycle: GIẢM TIÊU DÙNG - TÁI SỬ DỤNG - TÁI CHẾ nhiều nhất có thể

Hãy tái sử dụng mọi thứ có thể, các loại bao bì, từ giấy, lon kim loại, hộp, chai nhựa… Bạn có thể đi chợ, đi siêu thị bằng túi nilon đã qua sử dụng nhưng còn sạch. Hoặc dùng túi vải, vừa bền, an toàn lại có thể dùng đi dùng lại nhiều lần.

Nguồn: @zerowastehome

Hạn chế sử dụng Fast fashion - Thời trang nhanh

Thời trang nhanh (fast fashion) là những loại quần áo được thiết kế theo xu hướng nhất thời từ những buổi biểu diễn thời trang hay phong cách quần áo của những người nổi tiếng. Những sản phẩm thời trang này thường rẻ tiền và liên tục thay đổi.

Quá trình sản xuất và sử dụng quá nhiều quần áo thời trang ăn liền sẽ ảnh hưởng lớn đến dấu chân carbon do áp lực từ việc giảm chi phí và rút ngắn thời gian sản xuất sẽ khiến tăng phát thải nhiều CO2 hơn ra môi trường. Ngoài ra, việc sử dụng các loại thuốc nhuộm vải dệt rẻ tiền, độc hại cũng gây ô nhiễm nguồn nước.

Vậy giải pháp để giảm lượng carbon footprint là gì? Đó là hãy hạn chế tiêu thụ những sản phẩm thời trang ăn liền để giảm thiểu đáng kể số lượng dấu chân carbon lên môi trường.

Bên cạnh đó, hoạt động mua sắm thời trang đã qua sử dụng cùng Tổ Cú cũng là một hoạt động tích cực trong nỗ lực chống lại thời trang nhanh.

Tiết kiệm nguồn nước và năng lượng

Hãy sử dụng lại nước xám (nước thải sinh hoạt không chứa chất phân, như nước rửa rau, nước giặt, nước tắm,...) cho những hoạt động không yêu cầu chất lượng nước như xả bồn cầu, tưới cây,… Sử dụng nước xám để tưới cây không chỉ là một cách để tiết kiệm nước sạch mà còn giảm được hoá đơn tiền nước.

Nguồn ảnh: Picturequotes.com

Tiết kiệm điện bằng cách sử dụng đèn huỳnh quang compact. Bên cạnh đó, hãy luôn giữ vệ sinh sạch sẽ cho các thiết bị máy móc. Bởi khi bẩn chúng sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng hơn, đặc biệt là máy điều hoà.

Tắt các thiết bị điện, rút ổ cắm khi không sử dụng cũng là cách giảm thiểu dấu chân carbon. Thực chất một thiết bị sạc pin cắm vào ổ điện nhưng không dùng còn tiêu tốn nhiều điện hơn cả lúc bạn đang sử dụng.

Sống xanh tại nơi làm việc

Tại nơi làm việc, đừng in tài liệu một cách tràn lan khi không sử dụng. Và hãy in hai mặt để tiết kiệm giấy. Nếu có thể, hãy chuẩn bị đồ ăn trưa mang đi làm và ly take-away để giảm thiểu túi nilon, hộp nhựa, ly nhựa khi phải mua từ bên ngoài.

Ngoài ra, lựa chọn phương tiện đi lại đến nơi làm việc một cách phù hợp nhất cũng là cách tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu dấu chân carbon hiệu quả.

Xây dựng chế độ ăn bền vững hơn

Loại thực phẩm gây ra dấu chân carbon lớn nhất là sữa bò và thịt bò. Vì vậy hãy hạn chế tiêu thụ các sản phẩm thịt và sữa, thay thế bằng rau củ quả hạt, chế độ ăn thuần thực vật càng tốt.

Hình bên dưới cho thấy tỉ lệ phát thải CO2 của từng loại thực phẩm so sánh với tỉ lệ phát thải CO2 của xe hơi trên từng km.

Ví dụ: 1 kg thịt bò sẽ phát thải CO2 tương đương với lượng CO2 1 chiếc xe hơi chạy trong 27km.

Trồng nhiều cây xanh

Và cuối cùng không thể không nhắc đến việc trồng cây. Mỗi một cây xanh tiêu thụ gần 24kg khí CO2/năm. Do đó, mỗi người chỉ cần góp sức nhỏ bé trồng một cây xanh cũng đã góp phần bảo vệ trái đất khỏi bị ô nhiễm môi trường. Đây chính là cách thiết thực nhất để giảm dấu chân carbon.

Nguồn ảnh: Pinterest

Bạn có thể trồng cây ở vườn, trước nhà, hoặc thậm chí là những chậu cây nhỏ ở trên bàn làm việc, phòng khách. Cây xanh không những mang đến bầu không khí trong lành, giúp tinh thần sảng khoái. Mà còn giúp trang trí nhà cửa, bàn làm việc của bạn phong phú hơn.